04 tháng 4 2017

Tình hình ứng dụng thương mại điện tử trong cộng đồng ở Việt Nam

Năm 2015, Cục Thương mại Điện tử (TMĐT) và Công nghệ Thông tin (thuộc Bộ Công Thương) [1] đã khảo sát tình hình ứng dụng TMĐT trong cộng đồng. Đợt khảo sát được tiến hành trên 976 người có truy cập Internet cá nhân trên phạm vi cả nước. Hình thức khảo sát là trả lời trực tuyến và điền phiếu trực tiếp. Kết quả khảo sát cho thấy:

- Về thời điểm truy cập Internet: thường xuyên nhất trong này là từ 20h-24h (chiếm 53%, n=976), kế đến là từ 8h-12h (24%), còn lại là các thời điểm khác trong ngày.


- Về hình thức mua sắm: Tỷ lệ người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến chiếm 62%. Tỉ lệ mua sắm trực tuyến ngay sau khi tìm kiếm thông tin là 75%. Trong đó, hình thức mua sắm phổ biến nhất là thông qua Website (76%), kế tiếp là diễn đàn/mạng xã hội (68%), các hình thức khác chiếm tỉ lệ không đáng kể.

- Về các yếu tố khách hàng quan tâm khi mua sắm trực tuyến: dẫn đầu là giá cả (81/100%), uy tín của người bán/doanh nghiệp (75/100%), thương hiệu sản phẩm (70/100%); cách thức đặt hàng và thanh toán (67/100%). Yếu tố thiết kế website chỉ chiếm 20/100%. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trở ngại lớn nhất khi mua sắm trực tuyến là sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo.


Từ kết quả phân tích nêu trên, có thể thấy mua sắm trực tuyến đang là xu hướng kinh doanh phổ biến ở nước ta hiện nay. Thiết nghĩ, cá nhân/doanh nghiệp muốn thành công hơn nữa trong kênh bán hàng trực tuyến, cần:

1/ Lưu ý thời điểm đăng tin giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội. Khung thời gian nêu trên mang tính phổ quát. Đối với người dùng Facebook, chỉ cần chúng ta đăng tin vào những khoảng thời gian khác nhau trong ngày rồi theo dõi số lượt like. Nếu số lượng like tập trung vào khung giờ nhất định (và thường xuyên lập lại) thì đó là khung giờ thích hợp để chúng ta đăng tin.

2/ Mỗi cá nhân/doanh nghiệp cần tạo cho mình một website (càng chuyên nghiệp càng tốt) và liên kết website này với các diễn đàn/mạng xã hội (ví dụ như Fanpage trên Facebook).

3/ Cần có giá cả cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại của các đối thủ trên các website. Để làm việc này, thiết nghĩ, cá nhân/doanh nghiệp nên dành thời gian nghiên cứu về chiến lược về giá của đối phương.

4/ Cần tạo niềm tin cho khách hàng đối với thương hiệu, sản phẩm. Một số cách để khách hàng bước đầu tin tưởng là: Cung cấp thông tin cụ thể, chính xác về địa chỉ, số điện thoại (nhất là số điện thoại cố định), mã số thuế của doanh nghiệp, đối tác kinh doanh (đối tác kinh doanh càng uy tín thì càng khẳng định được vị thế của doanh nghiệp), thông tin chi tiết về sản phẩm,…

5/ Cần chú ý đến cách thức đặt hàng và thanh toán sao cho tiện lợi nhất đối với khách hàng. Các phương thức phổ biến hiện nay là chuyển khoản, trả bằng thẻ cào, trả tiền trực tiếp khi nhận được sản phẩm. Đối với phương thức chuyển khoản qua ngân hàng, cần có tài khoản tại các ngân hàng khác nhau để khách hàng tiện lợi khi tới phòng giao dịch, điểm ATM, hoặc thực hiện giao dịch trực tiếp trên thiết bị di động (dịch vụ Internet Banking).

Trên đây là một số thông tin và nhận định mà cá nhân tôi rút ra từ kết quả khảo sát. Để kết quả nghiên cứu được chính xác hơn, thiết nghĩ cần có những nghiên cứu chuyên sâu đối với mỗi lĩnh vực/loại hình kinh doanh, quy mô doanh nghiệp, các nhóm khách hàng mục tiêu,…

Hoàng Tuân, 04/04/2017
---
Chú thích:

[1] Bộ Công Thương (2015), Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam - 2015, http://www.moit.gov.vn/Images/editor/files/BCTMDT_2015.pdf, Ngày truy cập: 04/04/2017.

Không có nhận xét nào: