07 tháng 4 2017

Cần sớm xây dựng cho mình một bản kế hoạch cuộc đời (Lời khuyên cho các bạn sinh viên)

Cuộc đời chúng ta là một hành trình dài, nếu không có đích đến thì như con thuyền mất phương hướng, lênh đênh trên biển mà không biết đi về đâu. Nếu có cập được bến thì đó chỉ do sự tình cờ, may mắn. Trong cuốn Cổ Học Tinh Hoa [1], Liệt Tử dẫn câu chuyện “Mất Dê”. Theo đó, người láng giềng của Dương Chu mất dê, dù đã đi tìm nhưng đành về không. Dương Chu hỏi vì sao không tìm thấy? Người láng giềng đáp vì đường lắm ngã ba, cứ đi một đoạn lại gặp ngã ba khác nên không biết đi vào đường nào để tìm dê.

Trong cuộc sống, nhiều người cũng băn khoăn không biết rẽ lối nào cho cuộc đời mình như trường hợp nêu trên, vì đường lắm ngã ba. Trong trường hợp này, một bản kế hoạch cho cuộc đời là thật sự cần thiết. Đó là những giá trị mà chúng ta mong muốn đạt được trong suốt cuộc đời của mình, như: sức khỏe, sự hiểu biết, các mối quan hệ, nghề nghiệp, nơi cư trú, sự an toàn,…

Trong cuốn sách Nghĩ Giàu Làm Giàu [2], Napoleon Hill đã dành ra hơn 20 năm để nghiên cứu, phân tích về cuộc đời và hoạt động của hơn 500 người giàu có và nổi tiếng nhất nước Mỹ trên các lĩnh vực khác nhau. Ông đã rút lại 13 nguyên tắc thành công của họ. Trong đó, nguyên tắc thứ 6 là xây cần xây dựng kế hoạch một cách có tổ chức.

Vậy khi xây dựng bản kế hoạch cuộc đời, chúng ta cần lưu ý những khía cạnh nào? Theo tôi:

- Cố gắng đảm bảo tính toàn diện và cân bằng giữa các khía cạnh của cuộc sống.

+ Về sức khỏe (thể chất và tinh thần).

+ Về kiến thức và kỹ năng cần hoàn thiện (gồm kiến thức/kỹ năng phổ thông và kiến thức/kỹ năng chuyên sâu phục vụ cho công việc).

+ Các mối quan hệ: tình cảm gia đình, tình bạn, tình yêu, tình đồng nghiệp,… (những ai và những mối quan hệ nào chúng ta quan tâm hơn cả).

+ Công việc. Chúng ta sẽ dự định làm việc trong lĩnh vực, ngành nghề gì? Chúng ta sẽ trở thành ai trong Kim Tứ Đồ [3] sau: Người làm công ăn lương, Người tự làm cho mình, Chủ doanh nghiệp, Nhà đầu tư,…;hay chúng ta sẽ kết hợp các mô hình trên tùy vào điều kiện và thời gian cụ thể.

+ Nơi cư trú: nơi chúng ta dự định sẽ sinh sống và làm việc, nơi chúng ta có ý định xây dựng nhà cửa,…

+ Sự an toàn về tài chính: những quỹ tài chính của chúng ta là gì? (quỹ khẩn cấp, quỹ về hưu, quỹ đầu tư cho kinh doanh,…).

+ Khác. Tùy theo giá trị sống của mỗi người, chúng ta bổ sung những mục tiêu khác như: kế hoạch đi đây đi đó, kế hoạch làm từ thiện, kế hoạch tham gia một tổ chức xã hội,…

- Các mục tiêu lớn của cuộc đời cần phân thành những mục tiêu nhỏ hơn và các giai đoạn khác nhau để thực hiện. Sự phân chia thường căn cứ theo thời gian và dự kiến những thay đổi của chúng ta trong tương lai. Theo tôi, nên dựa vào những mốc sự kiện quan trọng trong đời người. Như: thời điểm ra trường, thời điểm khởi nghiệp, thời điểm lập gia đình, thời điểm xây dựng nhà cửa, thời điểm thay đổi công việc/mở rộng quy mô kinh doanh, thời điểm về hưu/nghỉ ngơi,…

- Bản kế hoạch cần linh động, có thể điều chỉnh được để phù hợp với sự phát triển trong nhận thức của mỗi người và sự thay đổi của hoàn cảnh sống. Tuy nhiên, cần giữ lại những giá trị cốt lõi phù hợp với nhân sinh quan của cá nhân.
Ngoài các yếu tố trên, theo tôi, các bạn có thể dựa vào công cụ SMART để xây dựng và đánh giá bản kế hoạch. Công cụ này lần đầu tiên được George T. Doran đề cập vào năm 1981 [4] và vẫn được sử dụng rộng rãi đến ngày nay. Trong đó:

+ S - Specific: tính đặc thù. Kế hoạch phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mỗi cá nhân.

+ M - Measurable: tính đo lường. Kế hoạch có thể đo lường được kết quả (như thông qua các con số cụ thể).

+ A - Achivable: tính đạt được. Mục tiêu đề ra vừa với sức của mỗi người để có thể đạt được.

+ R - Realistic: tính hiện thực/khả thi. Kế hoạch đề ra phải thực tế, phù hợp với thời gian và các nguồn lực sẵn có để có thể thực hiện được.

+ T - Time - bound: thời gian - giới hạn. Kế hoạch cần có thời gian cụ thể khi nào sẽ đạt được.

- Bản kế hoạch cần được viết ra và lưu giữ sao cho thuận tiện cho việc  theo dõi thường xuyên. Chúng ta có thể lập bản kế hoạch dưới dạng bảng biểu hoặc sơ đồ mind map. Các bạn có thể tham khảo một mẫu lập kế hoạch trong 5 năm (một phần trong kế hoạch cuộc đời) của một bạn dưới đây để dễ hình dung (xem hình) [5].


Trên đây là những lưu ý chính trong việc xây dựng bản kế hoạch cuộc đời. Chúc các bạn sẽ tìm cho mình một lối đi riêng và có được nhiều niềm vui trong cuộc hành trình đã chọn.

Hoàng Tuân, 6/4/2017.
--
Chú thích:
[1] Ôn như Nguyễn Văn Ngọc và Tư an Trần Lê Nhân (2002), Cổ học tinh hoa, NXB Văn Học.
[2] Napoleon Hill (2014), 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu, NXB Lao Động Xã Hội.
[3] Robert T. Kiyosaki – Sharon L.Lechter (2012), Dạy con làm giàu (tập 2), NXB Trẻ.
[4] Doran, G. T. (1981). "There's a S.M.A.R.T. Way to Write Management's Goals and Objectives", Management Review, Vol. 70, Issue 11, pp. 35-36.
[5] Yamaha (2014), Điểm danh 5 kế hoạch cực chất đạt giải bài dự thi sớm nhất của Yamaha - Cầm lái cuộc đời, http://yamaha-motor.com.vn/Su-kien-8/Diem-danh-5-ke-hoach-cuc-chat-dat-giai-bai-du-thi-som-nhat-cua-Yamaha--Cam-lai-cuoc-doi-1116.html, Ngày truy cập: 06/04/2017.


Không có nhận xét nào: