12 tháng 4 2017

Một nghiên cứu về kiến thức và kỹ năng cần có đối với lãnh đạo doanh

(Bài viết mang tính chia sẻ cho các bạn sinh viên có ý định khởi nghiệp)

Lãnh đạo (trong bài này được hiểu là giám đốc) là người có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành bại của một doanh nghiệp. Do vậy, việc xác định các kiến thức và kỹ năng cần có của họ là việc làm cần thiết. Nhất là trong bối cảnh nhiều công ty khởi nghiệp ra đời và sớm tuyên bố giải thể.
Muốn quản lý hệ thống tốt, người lãnh đạo trước tiên cần xác định được những kiến thức và kĩ năng cần thiết để trau dồi và nâng cao năng lực. Điều này có thể tìm thấy trên mạng internet một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều website nêu ra các kiến thức và kĩ năng cần thiết cho lãnh đạo doanh nghiệp một cách thiếu cơ sở khoa học. Nếu chúng ta tin vào đó (thiếu sự suy xét) và học theo để hoàn thiện bản thân thì nguy cơ sẽ là không học được những kỹ năng cần thiết để quản trị doanh nghiệp và lãng phí thời gian.
Trong bài viết này, tôi chia sẻ những kiến thức và kĩ năng cần có đối với lãnh đạo doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Bích Trâm và cộng sự (2009) [1]. Nghiên cứu được thực hiện đối với giám đốc các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu được thực hiện theo 2 giai đoạn:
- Trong giai đoạn thứ nhất, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nhiều phương pháp khác nhau như: Phương pháp phân tích tình huống nguy kịch bất ngờ; Phương pháp phân tích chức năng công việc; Phương pháp quan sát trực tiếp; Phương pháp đánh giá năng lực thực hiện công việc; Phương pháp chuyên gia. Các đối tượng tham gia đánh giá là nhân viên đang thực hiện công việc ở các doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia và những người có liên quan khác. Qua đó, nhóm nghiên cứu đã xác định được 96 năng lực cần có. Các năng lực này được gộp lại thành 54 năng lực theo mô hình nghiên cứu của Singer (2000) [2].
- Ở giai đoạn thứ hai, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát chính thức đối với 206 giám đốc đang làm việc trong lĩnh vực du lịch (theo phương pháp ngẫu nhiên thuận tiện, bảng hỏi được thiết kế theo thang đo Likert với 5 mức đánh giá). Bằng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA), nhóm nghiên cứu đã xác định được 6 nhóm thành phần với 21 năng lực.


1. Năng lực hoạch định và ra quyết định
- Kỹ năng ra quyết định (thiết lập tiêu chí, thu thập và phân tích thông tin, phát triển các phương án lựa chọn, đánh giá rủi ro, đề xuất phương án tối ưu).
- Kỹ năng phân tích vấn đề (xác định vấn đề, phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp và thực hiện).
- Kỹ năng phân tích tình huống (xác định vấn đề, chia vấn đề thành các thành phần nhỏ, xác định thứ tự ưu tiên, xác lập mục tiêu, đưa ra hành động và xác định phương án giải quyết).
- Kỹ năng thiết lập mục tiêu (thiết lập mục tiêu ngắn hạn, dài hạn và kết quả đạt được).
- Kỹ năng hoạch định chiến thuật, định hướng ngắn hạn (phát triển và thực hiện các kế hoạch ngắn hạn nhằm đạt được mục tiêu đề ra, sắp xếp chương trình hành động, thời gian biểu, tìm kiếm sự giúp đỡ,…).
2. Năng lực giao tiếp và giải quyết vấn đề
- Kỹ năng giải quyết vấn đề (xác định vấn đề, phân tích nguyên nhân, xác định giải pháp và hành động).
- Kỹ năng giao tiếp hàng ngang (khả năng giao tiếp hiệu quả giữa các bộ phận đồng cấp trong tổ chức, giữa các tổ chức với nhau).
- Kỹ năng giao tiếp hàng dọc (khả năng giao tiếp lên trên hoặc xuống dưới trong tổ chức).
3. Năng lực quản trị nhân sự
- Biết động viên, khuyến khích nhân viên (kiến thức về động lực thúc đẩy người khác thực hiện công việc, phần thưởng, giao việc, cơ hội phát triển,…).
- Biết gây ảnh hưởng (biết gây ảnh hưởng tích cực đến nhận thức và hành vi của người khác như đồng nghiệp, khách hàng).
- Có kỹ năng quả lý trả công lao động (hiểu biết về thực tiễn trả công và bậc lương bên trong tổ chức và bên ngoài thị trường).
- Biết quản trị, đánh giá kết quả thực hiện công việc (đánh giá kết quả thực hiện công việc, đối chiếu với mong đợi về công việc, xác định điểm mạnh - điểm yếu trong công việc, định kỳ cung cấp thông tin phản hồi và kết quả thực hiện công việc).
- Có kỹ năng phát triển, huấn luyện cấp dưới (đưa ra hướng hẫn, cung cấp thông tin phản hồi, tư vấn, huấn luyện, tạo cơ hội nghề nghiệp,…).
4. Hiểu biết môi trường chính trị, xã hội, luật pháp
- Hiểu biết chính trị, xã hội (hiểu biết và có khả năng đánh giá ảnh hưởng của các điều kiện chính trị, xã hội đến hoạt động kinh doanh, khả năng giao tiếp trực tiếp với đại diện chính quyền).
- Hiểu biết về yêu cầu luật pháp (có kiến thức về những yêu cầu của luật pháp, hướng dẫn, hạn chế, hợp đồng và ứng dụng luật pháp trong quản trị).
5. Năng lực quản lý thông tin
- Kỹ năng thiết lập mạng lưới (network) (khả năng thiết lập và phát triển qua lại trong mạng lưới/hệ thống nhằm có được thông tin, kiến thức kỹ thuật, hiểu biết chính trị,…).
- Kỹ năng thu thập thông tin (thu thập/phát triển nhiều loại nguồn thông tin cần thiết, nhận diện nguồn thông tin gây mâu thuẫn).
- Kỹ năng phân tích môi trường một cách tổng thể (phân tích tình hình hiện tại, tiềm năng và những thay đổi trong các lĩnh vực cụ thể để có quyết định mang tính chiến lược).
6. Năng lực quản lý tài chính
- Biết quản lý lợi nhuận (biết giá trị thời gian của quan hệ tiền tệ và tác động đến hoàn vốn, doanh số, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng,…).
- Hiểu biết về chi phí và quản lý chi phí (chi phí nguyên vật liệu, lao động, hàng hóa, dịch vụ,…)
- Có kĩ năng quản lý ngân sách (tổng ngân sách, tình hình thu/chi, phân bổ ngân sách,…).
Kết quả nghiên cứu 6 thành phần và 21 năng lực nêu trên chỉ ra rằng năng lực giám đốc ảnh hưởng rất mạnh đến hoạt động của doanh nghiệp (p < 0.001). Mức độ giải thích của năng lực của giám đốc với kết quả hoạt động của doanh nghiệp là 64%. Trong 6 nhóm năng lực nêu trên, 2 nhóm năng lực được các nhóm tham gia khảo sát tự đánh giá với điểm trung bình đánh giá ở mức khá là: năng lực về hiểu biết môi trường chính trị, xã hội, luật pháp (3.9 điểm); và năng lực quản lý thông tin (3.7 điểm). Các năng lực còn lại có điểm trung bình đánh giá ở mức giỏi. Trong đó, cao nhất là năng lực quản lý tài chính (0.5 điểm).
Như vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, thiết nghĩ những bạn sinh viên có ý định khởi nghiệp và trở thành lãnh đạo nên tập trung ưu tiên hoàn thiện các năng lực nên trên. Cũng cần lưu ý rằng nghiên cứu này được thực hiện trong ngành du lịch nên có thể không hoàn toàn đúng trong các lĩnh vực khác. Do vậy, chúng ta nên tham khảo thêm tiêu chuẩn công việc ở các nguồn đáng tin cậy khác, như truy cập cơ sở dữ liệu của O*net [3]. Tuy nhiên, việc để thuyết phục giám đốc các doanh nghiệp tự đánh giá về năng lực của mình là một việc làm hết sức khó khăn. Do vậy, kết quả nghiên cứu thật đáng trân trọng.

Hoàng Tuân, 08/04/2017
---

Chú Thích:
[1] Nguyễn Thị Bích Trâm, Trần Thị Kim Dung, Phan Thị Minh Châu, Nguyễn Văn Hóa (2009), Xác định kiến thức, kỹ năng cần có của cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, http://203.113.172.147/ViewOnline?bitstid=1555&type=1, Ngày truy cập: 08/04/2017.

[2] Singer (2000), An empirical examniation of manegerial competencies among black women enterpreneurs and black women corporater excutives”.
[3] Địa chỉ truy cập: https://www.onetonline.org/find. Cơ sở dữ liệu O*NET bao gồm thông tin về các kỹ năng, kiến thức, sở thích,… liên quan đến 900 nghề nghiệp khác nhau của Bộ Lao động Hoa Kỳ. Trong đó, kiến thức và kỹ năng cần có đối với giám đốc doanh nghiệp gồm:
- Kiến thức: 1/ Quản trị chiến lược và điều hành; 2/ Kinh tế và kế toán; 3/ Luật pháp và chính phủ - nhà nước; 4/ Khách hàng và dịch vụ cá nhân; 5/ Ngoại ngữ; 6/ Kinh doanh và marketing; 7/ Quản trị nguồn nhân lực; 8/ An toàn kinh doanh; 9/ Tính toán.
- Kỹ năng: 1/ Phân tích, phán đoán và ra quyết định; 2/ Quản trị tài chính; 3/ Phối hợp; 4/ Suy nghĩ sáng tạo; 5/ Thương thuyết, đàm phán; 6/ Biết lắng nghe tích cực; 7/ Chỉ đạo; 8/ Giải quyết vấn đề tổng thể; 9/ Có khả năng diễn thuyết, trình bày hiệu quả.

Không có nhận xét nào: