21 tháng 3 2017

Một công việc lý tưởng theo mô hình AIM

Hạnh phúc trong cuộc sống là điều ai cũng mong muốn. Để có cuộc sống hạnh phúc, trước tiên chúng ta cần có cuộc sống cân bằng. Nhà Phật gọi là “Trung Đạo”, Khổng Tử gọi là “Trung Dung”. Có lẽ không phải ngẫu nhiên, Liên Hợp Quốc cũng đã chọn ngày hôm nay (ngày 20/03) làm ngày Ngày Hạnh Phúc. Khi học Địa lý, nhiều người trong chúng ta biết rằng đây là ngày Mặt trời nằm trên đường Xích đạo (còn gọi ngày Xuân Phân), độ dài của ngày và đêm giữa bán cầu Bắc và bán cầu Nam trong ngày này bằng nhau - tượng trưng cho sự hài hòa trong vũ trụ).

Trong bài viết này, tôi đề cập đến sự hài hòa trong công việc theo mô hình AIM (viết tắt của Ability – Interest – Market; Tiếng Anh, “Aim” còn có nghĩa là mục đích, đích đến). Mô hình này được đề cập trong tác phẩm “Kinh Doanh Nhỏ Thành Công Lớn” của tác giả Louis Barajas [1]. AIM gồm:

- Ability: Năng lực của của chúng ta. Đó là những điều chúng ta có khả năng làm.

- Interest: Đam mê của chúng ta. Đó là những điều chúng ta làm một cách thích thú, vui vẻ.

- Market: Thị trường đón nhận và trả thù lao cho công sức chúng ta bỏ ra một cách thích đáng.

Có thể khái quát như sau (xem sơ đồ).

Như vậy, theo tôi, công việc lý tưởng nhất, khiến chúng ta có hạnh phúc nhất là công việc vừa phù hợp với khả năng, sở thích và được thị trường chấp nhận. Muốn vậy, chúng ta cần vạch cho mình một hướng đi dựa trên đánh giá bản thân và xu hướng phát triển của thị trường CÀNG SỚM CÀNG TỐT, để chúng ta có thể trau dồi kiến thức và kĩ năng cần thiết cho công việc sau này. Tốt nhất, chúng ta nên tìm hiểu trước khi quyết định lựa chọn ngành học trung cấp, cao đẳng, đại học. Trong trường hợp đã trót chọn ngành học rồi thì cũng cần định hình lại công việc chúng ta dự kiến sẽ làm trong tương lại, theo mô hình AIM.

Đối với những người có điều kiện vật chất còn khó khăn, nếu chúng ta chỉ có một trong ba điều kiện trong mô hình AIM thì thứ tự nên ưu tiên là: 1/ Chọn việc làm ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường (ưu tiên 1); 2/ Chọn việc có khả năng làm (ưu tiên 2). 

Nếu chúng ta đáp ứng được 2 trong 3 điều kiện trong mô hình AIM thì thứ tự nên ưu tiên là:

1 - Có khả năng  làm + Thị trường chấp nhận = công việc tuy nhàm chán nhưng ra thu nhập tạm thời để vượt qua khó khăn.

2 - Thích thú + Thị trường chấp nhận = công việc tuy không đem lại hiệu quả cao (vì khả năng/ năng lực có hạn) nhưng chúng ta có niềm vui trong công việc.

3- Có khả năng + Thích thú = công việc đáp ứng được sở thích và khả năng nhưng thu nhập không như mong muốn (phù hợp cho người đã ổn định về đời sống vật chất)

Vậy làm cách nào để chúng ta có hạnh phúc với công việc mình không thích? Có lẽ chúng ta nên bắt đầu bằng thay đổi suy nghĩ về công việc. Hãy tìm niềm vui trong công việc hiện tại chúng ta đang làm để mưu sinh, hoặc nghĩ ra điều gì đó tốt đẹp làm động lực để chúng ta tiếp tục công việc. Ví như chúng ta một khoản tiền nho nhỏ để giúp đỡ ai đó hoặc để mua sắm thứ gì đó,… Bênh cạnh đó, chúng ta nên tìm cách nâng cao khả năng của mình (kiến thức, kĩ năng,…) ở lĩnh vực chúng ta vừa có đam mê, vừa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Sau khi có đủ kiến thức và kĩ năng cần thiết, chúng ta có thể chuyển sang lĩnh vực mình đam mê để tiếp tục có một cuộc sống hạnh phúc đến cuối đời.

Tóm lại, muốn có công việc đem lại hạnh phúc, chúng ta cần sớm định hình được công việc sẽ làm trong tương lại để trang bị những kiến thức, kỹ năng phù hợp. Nếu đã chót làm công việc chúng ta không thích thì vừa thay đổi cách nghĩ để tự tạo niềm vui cho mình, vừa không ngừng hoàn thiện bản thân để có một công việc phù hợp hơn trong tương lại.

Hoàng Tuân, 20/03/2017
---
[1] Louis Barajas (2016), Kinh Doanh Nhỏ Thành Công Lớn, NXB Trị Thức.

Không có nhận xét nào: