25 tháng 2 2017

Đình Minh Hương Gia Thạnh (Quận 5, TP.HCM)

Đình tọa lạc tại số 380 đường Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5 (khu vực Chợ Lớn). Đình do người Hoa sáng lập vào năm 1789. Đình thờ Thành hoàng và các danh nhân vùng đất Gia Định xưa như Trần Thượng Xuyên, Nguyễn Hữu Cảnh, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh,… Nếu những công trình tín ngưỡng của người Việt ở TP.HCM trước đây thường xa nơi ở thì các công trình tín ngưỡng của người Hoa ở khu vực chọ Lớn ngay từ đầu đã được dựng lên gần nơi sinh sống và buôn bán của họ.
Nguồn: https://www.google.com/maps

Cho đến nay, đình đã trải qua ba lần trùng tu (1839, 1901, 1962). Ở lần trùng tu cuối cùng, các vật liệu hiện đại đã được sử dụng để thay thế một phần bộ khung gỗ trước đây, có lẽ do những khó khăn về kinh phí, vật liệu gỗ, kĩ thuật xây dựng,… 

Từ ngoài nhìn vào, các công trình tín ngưỡng của người Hoa nói chung có màu sắc sặc sỡ, hai màu chủ đạo là đỏ - vàng. Đình Minh Hương Gia Thạnh có cửa sắt sơn màu xanh lục cũng hơi lạ lạ. Thông thường, hàng rào ngăn phần đất của công trình với khu vực bên ngoài là hàng rào sắt, khoảng sân trước các công trình hẹp, mô típ trang trí trên mái thường làm bằng chất liệu gốm.

Trang trí gốm trên nóc Đình (Ảnh: Hoàng Tuân)

Bên trong Đình, kết cấu có chút thay đổi, với việc xây một tầng lầu ở chính điện trong lần trùng tu năm 1962. Nếu tuân theo quy tắc bảo tồn tính nguyên vẹn của di sản thì sự thay đổi này thật đáng tiếc. Tuy nhiên, về tổng thể, đây vẫn là ngôi đình có nhiều nét cổ kính và có nhiều giá trị nghệ thuật, đặc biệt những chạm trổ tinh tế trên các hoành phi, câu đối, khám thờ,… 

Khu vực chính điện hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật quý, như: bức hoành phi do vua Tự Đức ban, chuông đồng do vua Minh Mạng ban, bộ câu đối của Trịnh Hoài Đức. Hiện vật tôi thích nhất về mặt nghệ thuật lò bộ nghế Long ỷ (năm 1880). Tôi đã có dịp chiêm ngưỡng nhiều bộ ghế cổ tại các di tích khác, song chưa thấy bộ nào trạm lọng tinh tế và mềm mại như bộ này.  

Khu vực hậu điện gồm ba khám thờ các vị tiền hiền, hậu hiền và những vị có công dựng Đình. Giữa chính điện và hậu điện là giếng trời (Thiên Quang Tỉnh) với chức năng lấy ánh sáng và tạo sự thông thoáng cho toàn thể công trình. Nếu so mới một số giếng trời ở các công trình tín ngưỡng khác (như Hội quán Tuệ Thành) thì giếng trời ở đây thiết kế khá đơn giản, không có nét nổi bật về trang trí.
Ghế Long ỷ (Ảnh: Hoàng Tuân)

Lễ kỳ yên được tổ chức vào ngày 16.01 (Âm lịch - AL) là lễ lớn nhất tại Đình (đây cũng là lễ hớn nhất ở các đình làng của người Việt tại Nam Bộ). Ngoài ra, Đình còn tổ chức lễ, tết như: vía Bà (19/03 AL), Tết Đoan Ngọ (05/05 AL), Tết Trung Thu (15/08 AL),…
Các ngày cúng trong năm Đình (Ảnh: Hoàng Tuân)

Hàng ngày, Đình mở cửa để khách du lịch tham quan từ 08g:00-12g:00. Tôi có hỏi lý do tại sao Đình không mở cửa vào buổi chiều, cô Thu Vân (người trông coi và thuyết minh tại Đình) cho biết vì thiếu người túc trực thường xuyên tại đây. Khách du lịch có thể dành ra một buổi để tham quan Đình kết hợp tham quan Hội quán Nghĩa An, Hội quán Tuệ Thành, phố thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông và dừng lại ở Chợ Lớn.
Chụp hình lưu niệm cùng cô Thu Vân (Ảnh: Hoàng Tuân)

Hoàng Tuân (25/02/2017)

Không có nhận xét nào: