24 tháng 2 2017

Góc nhìn của GS. John Vũ về công ty khởi nghiệp

Trong bài viết này, tôi giới thiệu một số chủ đề thường gặp liên quan đến các công ty khởi nghiệp, dưới góc nhìn của Giáo sư John Vũ. Trong mỗi bài viết, tôi tóm lược một số ý chính (theo cách nhìn của riêng tôi). Vì là tóm lược, cộng thêm việc kế thừa bản dịch sang tiếng Việt của Ngô Trung Việt, nên không tránh khỏi cách diễn dịch thiếu tương đồng so với bản gốc, rất mong GS. John Vũ lượng thứ. Để đảm bảo tính trung thực của bài viết, bạn đọc có thể theo dõi qua đường dẫn tôi cung cấp dưới mỗi phần tóm tắt.

Hoàng Tuân
---

Sai lầm thông thường của công ti khởi nghiệp (đăng ngày 23/02/2017)

Theo GS. John Vũ , sai lầm thông thường của một số công ty khởi nghiệp là họ lên ý tưởng và lập công ty nhưng không hiểu nhu cầu của khách hàng hay thị trường (không khảo sát nhu cầu của thị trường). Cuối bài viết, Ông đặt ra một số câu hỏi cho một học viên đang theo khóa học của Ông, và khuyên rằng nếu không biết khách hàng là ai và tại sao họ sẽ mua sản phẩm thì KHÔNG nên bắt đầu lập công ti. Các câu hỏi gồm:
- Ai là người dùng sản phẩm sản phẩm của công ty?
- Tại sao họ mua sản phẩm của công ty?
- Điều gì làm cho sản phẩm của công ty em đặc biệt hơn sản phẩm công ty khác?
- Giá trị doanh nghiệp mà sản phẩm này phải chuyển giao là gì?
- Làm sao biết được sản phẩm của công ty đáp ứng nhu cầu của khách hàng?

Bài viết đầy đủ vui lòng đọc tại đây: http://science-technology.vn/?p=5281
---

Tìm việc làm hay bắt đầu công ti? (đăng ngày 16/02/2017)

GS. John Vũ  cho rằng sẽ là sai lầm nếu việc lập công ty khởi nghiệp chỉ là cách kiếm sống [cốt để có tiền] chứ không phải là một đam mê. Nếu không toàn tâm toàn ý với công ty thì sẽ không thành công được. Cần phải dành nhiều thời gian để nhận diện xem công ty cần gì và chúng ta có những gì. Và nếu chúng ta đang thiếu những kỹ năng mà công ty cần thì hãy từng bước hoàn thiện nó.

Bài viết đầy đủ vui lòng đọc tại đây:http://science-technology.vn/?p=5269
---

Hỏi khách hàng (đăng ngày 31/01/2017)

Phải nói tôi rất ấn tượng với bài viết này của GS. John Vũ . Có một nhà doanh nghiệp hỏi ông rằng “Tại sao thầy nhấn mạnh vào việc nói chuyện với khách hàng trước khi xây dựng sản phẩm? Tôi cần hỏi bao nhiêu khách hàng? Làm sao thầy biết liệu thầy có đúng không? 

GS. John Vũ  cho rằng:
- Phải nói chuyện với khách hàng để biết nhu cầu của họ là gì. Vì “Không khách hàng, không công ti khởi nghiệp.”. Ông phê phán một số sinh viên mù quáng, chỉ tìm đến những ai đồng ý với ý tưởng của họ (để tìm sự đồng thuận) mà không nói chuyện với khách hàng thực thụ (tức người quan tâm tới sản phẩm đó).
- Cần lập danh sách và nói chuyện với ít nhất từ 80 đến 100 khách hàng (30 khách hàng là chưa đủ tốt). Thông qua việc khảo sát thực tế, chúng ta sẽ học được nhiều hơn về khách hàng và nhu cầu của họ, từ đó có đủ thông tin để tiếp tục hoặc thay đổi ý tưởng.

Bài viết đầy đủ vui lòng đọc tại đây
: http://science-technology.vn/?p=5231
---

Lời khuyên cho nhà doanh nghiệp (đăng ngày 18/01/2017)

Trong bài viết này, GS. John Vũ giải thích sự khác biệt giữa "người chủ doanh nghiệp nhỏ" với "nhà doanh nghiệp". Ông cũng lưu ý rằng "công ti khởi nghiệp KHÔNG là về làm ra nhiều tiền mà nó là đam mê về thay đổi và làm cái gì đó bạn yêu mến. Tiền chỉ tới sau khi bạn thành công tạo ra giá trị mới và đột phá thị trường". Trong đó, kỹ năng kỹ thuật giúp giải quyết vấn đề và tạo ra giá trị mới, kỹ năng doanh nghiệp và công nghệ giúp đột phá thị trường. Cũng theo nhận định của Ông, một công ty khởi nghiệp hiếm khi thành công nếu không có tính đột phá. Việc cần tìm hiểu thị trường và nhu cầu của thị trường cũng rất quan trong đối với công ty khởi nghiệp.

Bài viết đầy đủ vui lòng đọc tại đây: http://science-technology.vn/?p=5231
---

Tại sao có công ti khởi nghiệp?  (đăng ngày 03/01/2017)

Theo GS. John Vũ, sự ra đời của công ty khởi nghiệp cần nhắm đến mục đích trước tiên là tạo ra các sản phẩm/dịch vụ có thể đem tới giá trị mới nhằm thay đổi/đột phá thị trường. Nếu xem mục đích ban đầu của việc thành lập công ty khởi nghiệp chỉ để làm ra tiền thì sẽ phần lớn sẽ thất bại. Vì trong những năm đầu kinh doanh, công ty khởi nghiệp thường chịu nhiều rủi ro và ít có lời. Trong thời gian đầu này, những người đến với công ty vì tiền thì họ sẽ sớm bỏ đi khi không đạt được mục đích. Chỉ có những ai theo đuổi đam mê và muốn cống hiến sức mình để đem lại giá trị cho cộng đồng mới toàn tâm toàn ý vượt qua trở ngại trước khi công ty thành công.

Bài viết đầy đủ vui lòng đọc tại đây: http://science-technology.vn/?p=5164
---

Nhu cầu khách hàng và thành công của công ti khởi nghiệp (đăng ngày 24/12/2016)

Trong bài viết này, GS. John Vũ chia sẻ yêu cầu của Ông đối với sinh viên trong lớp học khởi nghiệp. Theo đó, sinh viên sau khi có ý tưởng, họ phải đi ra hỏi khách hàng (hỏi 10 khách hàng tiềm năng mỗi tuần x 10 tuần (?)). Kết quả hỏi khách hàng được đem lên thảo luận trước lớp, trong đó, sinh viên cần chia sẻ các thông tin: 1/ khách hàng của họ là ai; 2/ họ thích và không thích gì; 3/ giải thích liệu họ có mua sản phẩm hay không,...  Nếu ý tưởng của họ không được khách hàng đón nhận thì họ phải điều chỉnh hoặc thay đổi ý tưởng và đi hỏi lại cho đến khi đủ thông tin cần thiết. Theo Ông, cần trực tiếp hỏi khách hàng (thay vì gửi email hoặc gọi điện). Vì thông qua việc gặp trực tiếp này, sinh viên sẽ biết về nơi khách hàng làm việc và thiết lập mối quan hệ tốt hơn cho việc kinh doanh sau này.

Bài viết đầy đủ vui lòng đọc tại đây: http://science-technology.vn/?p=5141
---

Tổ công ti khởi nghiệp (đăng ngày 16/12/2016)

Theo GS. John Vũ, trong bất kỳ một công ty nào, tổ tốt là nhân tố mấu chốt đem lại sự thành công. Nhiều công ty không chú ý tới tổ cân bằng, với ba cấu phần then chốt:

1/ Người lãnh đạo có viễn kiến. Tức người có ý tưởng hay giải pháp cho vấn đề. Ngoài ra, họ cần phải có những kỹ năng quản lý tốt và phải có đam mê để tạo động lực cho người khác.
2/ Tổ kỹ thuật: gồm những người thực hiện viễn kiến của người lãnh đạo, viết mã, xây dựng sản phẩm. Tổ này đòi hỏi có kinh nghiệm trong phát triển phần mềm.
3/ Tổ kinh doanh: gồm những người bán sản phẩm. Họ phải hiểu nhu cầu của khách hàng, thiết lập quan hệ với khách hàng, biết về đối thủ cạnh tranh,...
Mối liên hệ giữa ba cấu phần then chốt này sẽ xác định thành công của công ty.

Bài viết đầy đủ vui lòng đọc tại đây: http://science-technology.vn/?p=5136
---
Cách tôi dạy công ti khởi nghiệp (đăng ngày 29/11 và 12/12/2016)

Trong bài này, GS. John Vũ chia sẻ một số cách Ông dạy sinh viên. Cụ thể, Ông giúp người học hiểu rằng::

- "Không có khách hàng, không có công ty khởi nghiệp". Công ty khởi nghiệp sẽ thành công khi bán sản phẩm mà khách hàng sẵn sàng mua. Muốn biết khách hàng mua cái gì, cách duy nhất là đi ra và hỏi họ (cần thực hành nhiều). Từ đó, xây dựng danh sách ý kiến khách hàng về những điều họ thích/không thích, muốn/không muốn, khả năng chi trả,... Việc khảo sát và phân tích thị trường giúp chúng ta biết ý tưởng kinh doanh có được thị trường chấp nhận hay không. 
- "Không có công thức thành công cho công ti khởi nghiệp". Cần phải phải lập đi lập lại quy trình thực hành và học từ sai lầm cho tới khi thành công.
- “Cách duy nhất để làm ra tiền là chuyển giao sản phẩm mà khách hàng sẵn lòng trả tiền cho nó.” Có thể khách hàng không biết mình muốn gì nhưng họ biết họ không cần thứ gì. Không nên bắt đầu hỏi khách hàng với sản phẩm đã hoàn thành. Hãy hỏi họ với những sản phẩm đơn giải rồi thu thập ý kiến và từng bước cải tiến.
- Luôn chuẩn bị cho những điều không ngờ tới. Vì các công ty khởi nghiệp thường gặp nhiều vấn đề và thường thất bại trước khi đạt đến thành công.

Bài viết đầy đủ vui lòng đọc tại đây: 
http://science-technology.vn/?p=5164
http://science-technology.vn/?p=512
---

(còn nữa)






Không có nhận xét nào: