19 tháng 2 2017

Chuẩn bị thông tin ngừa trường hợp khẩn cấp

Chiều nay (19/02/2017), trên đường từ nhà người em trai về, tôi gặp một vụ va chạm giữa xe ô tô con với xe gắn máy (gần cầu vượt Bình Phước 2). Người ngã xe máy thất thần và bị đau ở chân. Trước khi chờ xe đưa tới bệnh viện, tôi hỏi số điện thoại người thân của họ. Trong lúc thất thần, người này không nhớ ra nhưng may là họ có ghi số máy vào cuốn sổ nhỏ. Tại Bệnh viện Thủ Đức, Bác sĩ nhìn hình chụp X quang và kết luận không bị gãy xương. Thật may mắn.

Từ trường hợp này, tôi nghĩ cách ghi thông tin đề phòng trường hợp khẩn cấp rất quan trọng. Vì nếu ai trong chúng ta không may gặp tai nạn thì rất khó để người giúp đỡ liên hệ được với người thân trong các trường hợp: 1/ Người gặp tai nạn bất tỉnh hoặc mất trí nhớ tạm thời; 2/ Điện thoại sử dụng chức năng khóa bàn phím; 3/ Điện thoại bị hư do va chạm hoặc không mang theo,…

Theo kinh nghệm của cá nhân, trong ví của tôi luôn luôn để thông tin ngừa trường hợp mất ví và trường hợp khẩn cấp thì liên lạc với ai. Tôi chia làm 3 loại thông tin:

1/ Số điện thoại khẩn: Tôi ghi ra số điện thoại của 5 người thân thiết. Những người này dùng điện thoại thường xuyên, sống ở các nơi khác nhau, có sự linh hoạt trong giải quyết vấn đề.

2/ Email của một số người thân thiết. Người tôi cung cấp email là người kiểm tra email thường xuyên, có khả năng đọc hiểu tiếng Anh (ngừa trường hợp mình gặp sự cố ở nước ngoài và việc liên hệ qua điện thoại bị gián đoạn).

3/ Địa chỉ thường trú, tạm trú và địa chỉ nơi làm việc.

Trên đây là kinh nghiệm của cá nhân, tôi nghĩ là hữu ích khi chúng ta gặp sự cố. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có cách khác nhau để chuẩn bị thông tin này. Riêng bản thân tôi, nhờ có thói quen để thông tin trong ví này nên tôi đã nhận được chiếc ví bị mất tại Huế vào năm 2006. Đối với người bị nạn chiều nay, nhờ có thông tin được ghi trong cuốn sổ nhỏ nên việc liên lạc với người thân của họ cũng thuận tiện hơn.


Hoàng Tuân (19/02/2017)

Không có nhận xét nào: