17 tháng 2 2017

Chọn ngành, nghề theo đam mê hay theo nhu cầu xã hội?


Vừa rồi đi dự thôi nôi con của người bạn, có người bà con hỏi tôi rằng anh chị MUỐN cho cháu học ngành này (…) em thấy sao. Tôi nghĩ đây là câu hỏi phổ biến trong bối cảnh học sinh lớp 12 đang chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp cấp 3 và chọn ngành, nghề học sau này.

Theo tôi, có 3 khuynh hướng chọn ngành, nghề: (1) theo đam mê (theo điều mình thích làm); (2) theo nhu cầu xã hội (nhưng mình không đam mê); (3) vừa theo đam mê vừa theo nhu cầu xã hội. Khuynh hướng (3) thì quá lý tưởng nên là tối ưu nhất.

Ở đây, tôi nghĩ phổ biến vẫn là sự lưỡng lự giữa hai thái cực, tức khuynh hướng chọn ngành, nghề theo đam mê hoặc theo nhu cầu xã hội. Tôi thường nghĩ chọn nghề theo đam mê là tốt nhất. Nhưng khi thấy việc chọn ngành, nghề theo đam mê này không đem lại hiệu quả kinh tế trước mắt thì tôi trở nên hoài nghi. Và hoài nghi này của tôi đã được giải đáp khi tôi đọc cuốn sách “Khởi hành - lời khuyên cho sinh viên Việt Nam” của giáo sư John Vu (bút danh Nguyên Phong). Tôi tin những lời Ông viết xuất phát từ thực tế và kinh nghiệm sống. Vì Ông từng là phó chủ tịch của tập đoàn Boeing, hiện đang tham gia giảng dạy ở nhiều trường đại học có tiếng trên thế giới, là người nghiên cứu và am hiểu về văn hóa phương Đông (Ông đã chuyển thể rất hay tác phẩm Hành Trình Về Phương Đông và một số tác phẩm khác). Giáo sư John Vu cho rằng ngoài việc chọn lĩnh vực bạn thích (đam mê) “hãy đảm bảo rằng bạn có thể kiếm sống bằng nghề đó” [1, tr.31]. Thật khó để “cào bằng” rằng nên ưu tiên chọn nghề theo đam mê hay theo nhu cầu xã hội, vì còn tùy vào đặc trưng của từng ngành, nghề cụ thể. Tuy nhiên:

- Đối với những người kiên quyết lựa chọn ngành, nghề theo đam mê ngay từ đầu (và nghề này có thể không mang lại nhiều thu nhập), thì bạn phải chắc chắn rằng mình có nghề tay trái để ổn định cuộc sống sau khi ra trường.

- Đối với người những người lựa chọn ngành, nghề theo nhu cầu xã hội ngay từ đầu nhưng mình không đam mê thì hãy cố gắng học và làm tốt nhất có thể. Bên cạnh đó, hãy kiên trì theo đuổi lĩnh vực mình đam mê để không tiếc nuối về sau.

Việc lựa chọn học thêm nghề tay trái hoặc học thêm nghề mình đam mê có thể thực hiện bằng cách: 1/Tự học; 2/ Đăng ký các khóa học ngắn hạn (hoặc học văn bằng 2); 3/ Xin làm thực tập sinh để lấy kinh nghiệm,…Khi ra trường, nếu tìm được cơ hội, chúng ta có thể kiếm sống bằng nghề theo nhu cầu xã hội hoặc theo đuổi nghề mình đam mê hoặc kết hợp cả hai. Sau này, khi điều kiện vật chất có đủ, mình có thể chuyển hẳn sang làm việc ở lĩnh vực mình đam mê.

Dưới đây là một số lưu ý khi chọn ngành, nghề:

- Bố mẹ nên là người định hướng, đưa ra những lời khuyên về nghề nghiệp, không nên ÁP ĐẶT con cái phải theo sở thích của mình. Nên tôn trọng và ủng hộ quyết định sau cùng của con cái vì mỗi người có mỗi sở thích và thế mạnh khác nhau.

- Tùy theo năng lực học tập, đặc điểm sinh lý và điều kiện kinh tế của mỗi người để chọn ngành nghề phù hợp. Ví như học lực trung bình nhưng chọn ngành có điểm đầu vào cao, không thích trẻ nhỏ nhưng chọn giáo viên mầm non, sợ độ cao nhưng chọn nghề thiên về “leo trèo”,…

- Không quá thần tượng với một ai đó mà chọn nghề theo họ, vì tố chất và điều kiện phát triển mỗi người có thể khác nhau.

- Xem xét tính ổn của ngành, nghề theo nhu cầu xã hội. Vì có những ngành nghề hiện tại xã hội cần nhưng khi các bạn ra trường thì có khuynh hướng bão hòa.

- Cần tìm hiểu kỹ ngành học, trường học để tránh “bẫy tiếp thị”. Hiện nay, có nhiều trường cao đẳng, đại học đến các trường phổ thông để giới thiệu tuyển sinh. Và thường không ai đem cái xấu (những hạn chế) của trường mình đi giới thiệu cả.

- Cần tham khảo ý kiến của nhiều người nhưng có chọn lọc. Vì khuynh hướng nghề nghiệp đôi khi ảnh hưởng đến lời tư vấn. Ví như người thích kinh doanh sẽ có khuynh hướng khuyên chọn theo nghề này.

Tóm lại, lý tưởng nhất vẫn là đăng ký ngành, nghề mình vừa đam mê, vừa theo nhu cầu xã hội. Trong trường hợp chọn ngành, ngành mình CÓ đam mê nhưng không đủ trang trải cuộc sống thì nên học thêm một nghề tay trái. Trong trường hợp chọn ngành, nghề mình KHÔNG đam mê thì nên tiếp tục theo đuổi nghề mình đam mê để cuộc sống thi vị hơn. Trước khi quyết định chọn ngành, nghề để học, cần có sự tìm hiểu và tư vấn thấu đáo.

Hoàng Tuân (18/02/2017)
--
Chú thích:

 [1] John Vu (2015), Khởi hành - lời khuyên cho sinh viên Việt Nam, NXB Tổng hợp TP.HCM.

Không có nhận xét nào: