04 tháng 4 2021

Hạnh bố thí

 Gần đây, trên các phương tiện truyền thông đề cập nhiều đến việc bố thí, giúp đỡ mọi người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, nhiều người vì lý do nào đó nên chưa thật hiểu về hạnh bố thí. Dưới đây là một vài chia sẻ tôi “góp nhặt” từ sự học hỏi và trải nghiệm, dưới góc nhìn của Đạo Bụt, xin được chia sẻ với cộng đồng.

Ý NGHĨA CỦA VIỆC BỐ THÍ

# Về phía người bố thí

- Bố thí là cách để tạo nghiệp lành, đời này và đời sau, vì Đạo Bụt cho rằng NHÂN nào thì QUẢ ấy.

- Bố thí là cách để nuôi dưỡng tâm buông bỏ (xả), đồng nghĩa với việc giảm tâm tham muốn, nhờ vậy mà cuộc sống được an lạc.

# Về phía người được bố thí, cộng đồng

- Bố thí để giúp người được bố thí vượt qua những khó khăn, hoạn nạn.

- Bố thí để kết nối tình người.

CÁC DẠNG BỐ THÍ

Có người suy nghĩ: Tôi không có tài sản (tiền bạc) thì làm sao bố thí! Thực ra, bố thí có nhiều cách thức, không nhất thiết phải đem của cải cho người mới gọi là bố thí. Theo Đạo Bụt, có ba cách bố thí [1, Tr. 124-125], [2, Tr. 97]:

1/ Tài thí: Đem của cải, vật phẩm ra giúp cho người.

2/ Pháp thí (sự giáo dục): Đem tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm sống,… ra chia sẻ cho người, giúp người được bố thí hạn chế được những sai lầm trong ý nghĩ, lời nói, và việc làm.

3/ Vô úy thí (sự che chở): Là sự bảo vệ chính nghĩa, hoặc giúp cho người được bố thí có cảm giác được an ổn về tinh thần (không lo sợ). Tôi còn nhớ, hồi nhỏ, tôi và người em thứ hai (chú Hoàng Tuyển) ngồi khóc ở góc nhà khi trời mưa bão. Chúng tôi lo sợ sấm sét, và lo lắng khi Mẹ của chúng tôi đi chợ xa không biết thế nào (vì trời đã gần tối nhưng chưa thấy Mẹ về). Lúc đó, Bà Chắt đi ngang thấy. Bà ở cạnh chúng tôi, Bà vỗ về và an ủi, cho đến khi Mẹ chúng tôi trở về. Sự hiện diện của Bà Chắt làm chúng tôi an tâm hơn. Đó là sự bố thí bằng Vô úy thí.

Như vậy, tùy vào khả năng và hoàn cảnh, mỗi người có thể chọn cho mình một hoặc một số hình thức bố thí phù hợp. Ngài Thích Tâm Châu cho rằng “Bất cứ ở vào trường hợp nào, hoản cảnh nào, chúng ta đều có thể làm việc bố thí được. Bố thí con kiến một hột cơm, an ủi người bằng nụ cười, hay cho kẻ nghèo hàng vạn bạc.” [2, Tr. 97].

BỐ THÍ SAO CHO HỢP ĐẠO?

Theo Đạo Bụt, việc bố thí cần đạt đến chỗ cả ba đều KHÔNG [1. Tr. 125].

1/ Không có bản ngã ta là người bố thí: Người bố thí tránh tâm lý mong người được bố thí cảm ơn, báo đáp hay ca ngợi công đức của mình, cũng như có dụng tâm bố thí để quảng bá cho hình ảnh cá nhân, tổ chức của mình. Điều thứ 8 trong ‘Luận bảo vương tam muội niệm Phật trực chỉ’ nêu rằng:  “Khi thi ân đừng nên cầu báo đáp, vì cầu đền báo là việc làm có mưu đồ”. [3, tr. 85]

2/ Không thấy đây là người thọ thí (người được bố thí): Người bố thí không nên khinh rẻ người được bố thí, cũng không nên có tâm phân biệt đối với người bố thí (không phân biệt người thân, kẻ oán ghét,…), mà hãy tùy duyên! Tuy nhiên, người bố thí cũng nên bố thí một cách có trí tuệ. Một Người Thân của tôi chia sẻ rằng nếu biết chắc việc bố thí đó để làm việc sai trái thì nhất quyết không bố thí, vì như vậy là đồng phạm. 

3/ Không thấy kia là vật bố thí: Bố thí mà thấy kia là vật bố thí thì đem lòng dính mắc, tiếc nuối, hoặc có tâm phân biệt hơn – thua – bằng. Tôi nhận thấy, một số người khi nhận được vật bố thí của người này ít hơn người khác thì có ý chê trách. Đây cũng là một dạng tâm phân biệt.

Hy vọng những thông tin trên hữu ích cho một số bạn đọc để chúng ta cùng thực hành tốt hạnh bố thí.

Huân Phong (Tổng hợp), 4/4/2020

---

Nguồn:

[1] Thích Tinh Vân. (2011). Mười bài giảng Kinh Bát Đại Nhân giác. (Thích Minh Quang dịch). TPHCM: NXB Tôn Giáo.

[2] Thích Tâm Châu. (2017). Đạo Phật và Con người (theo bản in lần thứ Tư, 1964). Sài Gòn: NXB Tâm Quang.

[3] Thích Nhật Từ. (2012). 10 điều tâm niệm. Hà Nội: NXB Hồng Đức.

Không có nhận xét nào: