30 tháng 3 2021

'Gìn giữ lấy mình tức là gìn giữ cho nhau'

 Trong Kinh Samyutta Nikaya, Đức Phật kể câu chuyện: Có thầy trò nhà nọ làm nghề mãi võ (biểu diễn võ thuật, diễn xiếc). Trong tiết mục biểu diễn, người thầy đặt cây tre ở tư thế thẳng đứng trên đầu mình, trong khi học trò (một em gái, tên là Medakathalika) leo dần lên đầu cây rồi ngừng lại trên đó để người thầy tiếp tục di chuyển trên mặt đất. Cả hai thầy trò đều phải có sự tập trung tâm ý cao độ để giữ thăng bằng và để không xảy ra tai nạn.

Một hôm, người thầy dặn học trò: Này Medakathalika, “con hãy giữ gìn cho ta và ta sẽ giữ gìn cho con. Chúng ta hãy giữ gìn cho nhau để tránh được tai nạn và để thầy trò mình kiếm được ít tiền ăn”. Người học trò vốn thông minh nên trả lời rằng: “Thưa thầy, có lẽ ta nên nói thế này đúng hơn: Trong hai thầy trò ta, mỗi người nên tự gìn giữ lấy mình. Gìn giữ lấy mình tức là gìn giữ cho nhau, và như thế chúng ta tránh được tai nạn và để thầy trò mình kiếm được ít tiền ăn cơm”. Đức Phật nhận định: “Đứa bé đã nói đúng” (Kinh Samyutta Nikaya 47.19, trích bởi Thích Nhất Hạnh, 2009, Tr. 86-87).

Huân Phong (Tóm lược), 30/3/3020.

(Câu truyện này tôi được Một Người đáng kính kể cho nghe cách đây hơn 10 năm, hôm nay đọc sách của Thầy Nhất Hạnh, ký ức xưa hiện về!)

---

LỜI BÌNH

Trong mùa dịch Covid-19, mỗi người làm trọn bổn phận của mình thì cộng đồng sẽ tốt lên. 

===

Nguồn: Thích Nhất Hạnh. (2009). Phép lạ của sự tỉnh thức. TPHCM: NXB Văn hóa Sài Gòn.

Không có nhận xét nào: