28 tháng 2 2025

Muốn nhiều là khổ...

Chút nắng chiều chiếu qua cửa nhỏ, mình chợt nhớ đến lời kinh… 

“…

Muốn nhiều là khổ

Sanh tử nhọc nhằn

Từ tham muốn ra

Thiểu dục vô vi

Thân tâm tự tại.

…”

(Kinh Bát Đại Nhân Giác, Hòa thượng Thích Thiện Trì dịch)

                                Ảnh: Hoàng Tuân, 2025

Hoàng Tuân, 14/2/2025

Sáu điều hối tiếc

Trong bài thơ "Lục hối minh", Ông Khấu Lai Công nêu ra sáu điều hối tiếc, đại ý như sau:

Lúc làm quan không ngay thẳng, khi mất chức sẽ hối lại.

Lúc giàu không tiết kiệm, khi nghèo sẽ hối lại.

Lúc đắc thế làm bừa, khi qua rồi sẽ hối lại.

Lúc thấy việc không học, khi làm sẽ hối lại.

Lúc say nói càn, khi tỉnh sẽ hối lại.

Lúc thường không nghỉ, khi bệnh sẽ hối lại.


(Minh Tâm Bảo Giám, Tạ Thanh Bạch dịch chú)

Năm điều quán tưởng

 NĂM ĐIỀU QUÁN TƯỞNG

---

Thế Tôn lời dạy tỏ tường

Năm điều quán tưởng phải thường xét ra:

1.

Ta đây phải có sự già

Thế nào tránh thoát lúc qua canh tàn.

[Quán tưởng: Ta rồi đây cũng già, không thoát khỏi già]

2.

Ta đây bệnh tật phải mang

Thế nào tránh thoát đặng an mạnh lành.

[Quán tưởng: Ta rồi đây cũng bệnh, không thoát khỏi bệnh]

3.

Ta đây sự chết sẵn dành

Thế nào tránh thoát tử sanh đến kỳ.

[Quán tưởng: Ta rồi đây cũng chết, không thoát khỏi chết]

4.

Ta đây phải chịu phân ly

Nhân vật qúy mến ta đi biệt mà.

[Quán tưởng: Tất cả những gì của ta, yêu mến và ưa thích, rồi sẽ biến đổi, xa lìa ta]

5.

Ta đi với nghiệp của ta

Dầu cho tốt xấu tạo ra tự mình.

[Quán tưởng: Ta là chủ nhân của nghiệp... Bất cứ nghiệp nào ta tạo ra, thiện hay bất thiện, ta sẽ thừa kế nghiệp đó]

(Tóm lược từ https://budsas.net/dlpp/bai34/index.htm)

===

Hình do một người Bạn chụp, khi mình đang suy niệm về cuộc đời Đức Phật và lời dạy của Ngài, tại Chùa Niết Bàn (thuộc Thánh tích Kushinagar – nơi Đức Phật nhập niết bàn), tiểu bang Utta Pradhesh, Ấn Độ, năm 2025.

Hoàng Tuân, 18/2/2025

Một bức tranh đá độc đáo trong nhà vườn An Hiên

 Trong một lần mình cùng các bạn sinh viên ghé thăm Nhà vườn An Hiên tại phường Kim Long, thành phố Huế, mình bị cuốn hút bởi một bức tranh nhỏ nhưng độc đáo. Bức tranh được chế tác từ đá granit nguyên khối, mình đoán là cắt thủ công và được mài bóng. Những đường vân đá tự nhiên nổi bật trên bề mặt, mang hai tông màu chủ đạo là đen và trắng, tạo nên một phong cảnh núi rừng trầm mặc nhưng vững chãi.

                             Ảnh: Hoàng Tuân, 2024

Nhìn bức tranh, mình chợt suy ngẫm: phải chăng, ngoài giá trị nghệ thuật, tác phẩm còn gửi gắm một thông điệp sâu sắc về tính cách của gia chủ? Hình ảnh núi rừng gợi mình nhớ đến câu nói của Khổng Tử: “Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn” (Nguyễn Tôn Nhan dịch: Người có trí thì yêu thích nước, người có lòng nhân thì yêu thích núi). Phải chăng, bức tranh còn thể hiện lòng nhân từ của gia chủ?

Tóm lại, theo mình bức tranh nhỏ này không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà còn mang đậm triết lý nhân sinh.

Hoàng Tuân, 24/11/2024

Để hiểu một người, hãy âm thầm quan sát việc người đó làm

Hồi Gái nhỏ nhà mình 3 tuổi, hai bố con hay chơi trò chơi như câu truyện trong hình. Mình đóng vai voi, Gái nhỏ đóng vai kiến (có khi ngược lại), cửa nhà là cổng chùa. Một kỷ niệm nhỏ nhưng nghĩ lại mình thấy vui… Truyện của trẻ thơ nhưng để lại cho mình những suy ngẫm về cuộc sống. Thực ra, để tìm (và hiểu) một người cũng không đến nỗi khó khi biết được thói quen của người đó.


Hoàng Tuân, 9/11/2024