04 tháng 2 2017

Tâm địa và lời nói có khi là một

Cổ nhân có câu "Khẩu xà, tâm Phật". Những tuýp người này không nhiều nhưng xét ở chừng mực nào đó thì đáng quý. Theo cách nghĩ của tôi, lời nói nghe có vẻ ác ý nhưng có lợi cho người nghe thì là lời nói nhân ái. Lời nói có vẻ xuôi tai nhưng có hại cho người nghe là lời nói không nhân ái. Như vậy, trong lời nói, tâm địa của người nói quan trọng hơn cả. Nói những lời mất lòng nhưng có ích lợi cho người nghe thì vài lời thị phi của người đời coi như không đáng kể. Tiếc thay, mấy người thích nghe lời ngay thẳng!

Xét ở khía cạnh khác, tâm địa và lời nói có khi là một. Tâm của họ như thế nào thì lời nói của họ như vậy. Tôi rất ấn tượng với câu chuyện trong tác phẩm Mạn Đàm Tâm Kinh [Tôi cho đây là truyện hư cấu, nhưng đáng để suy ngẫm]. Truyện kể rằng, Tô Đông Pha ngồi nói chuyện với một thiền sư. Tô hỏi mình giống gì? Thiền sư đáp: giống Phật. Thiền sư hỏi lại mình giống gì? Tô đáp: thiền sư giống cục phân. Tô tỏ ra đắc chí. Thiền sư đáp: tâm có phân nên nhìn người khác như phân! 

Tâm địa con người thật khó lường, thôi hãy sống với những giá trị mình cho là đúng, làm những việc mình cho là đem lại mang lại lợi ích cho người khác. Khi nghe lời khó nghe, hãy bình tâm xem xét lời nói đó có lợi người, hại ta, hay giúp ta tốt hơn.


Hoàng Tuân.